Thân thế Nhĩ Chu Vinh

Ông kị

Tổ tiên của Nhĩ Chu Vinh cư ngụ tại Nhĩ Chu Xuyên[2], nên mới lấy Nhĩ Chu làm họ. Họ Nhĩ Chu là một nhánh của dân tộc "Khiết Hồ" hay "Yết Hồ", có chung nguồn gốc với Thạch Lặc, Thạch Hổ nhà Hậu Triệu.

Ông kị của Nhĩ Chu Vinh là Nhĩ Chu Vũ Kiện, làm tù trưởng vào những năm đầu Bắc Ngụy Đạo Vũ Đế Thác Bạt Khuê ở ngôi (386 – 396), soái lĩnh 1700 võ sĩ Khiết Hồ, theo Thác Bạt Đảo bình định Tấn Dương, Trung Sơn… Do công tích hiển hách, Vũ Kiện được phong làm Tán kỵ thường thị, sống ở Tú Dung Xuyên, cấp cho 300 dặm vuông đất, đời đời làm gia nghiệp. Ban đầu, Thái Vũ Đế thấy Nam Tú Dung đất đai phì nhiêu, muốn đem ban cho Vũ Kiện, nhưng ông ta nói: "Nhà thần đời đời phụng sự quốc gia, được ở cạnh bệ hạ. Bắc Tú Dung thuộc về nội địa, vả lại rất gần kinh sư, thần nào dám vì đất đai phì nhiêu mà xa cách bệ hạ." Thái Vũ Đế liền đáp ứng yêu cầu của ông ta.

Ông nội

Nhĩ Chu Vũ Kiện mất, ông cụ của Nhĩ Chu Vinh là Nhĩ Chu Úc Đức kế vị. Úc Đức mất, ông nội của Nhĩ Chu Vinh là Nhĩ Chu Đại Cần kế vị làm tù trưởng bộ lạc. Đại Cần là cậu của Kính Ai hoàng hậu của Thái Vũ Đế. Có lần cùng dân chúng bộ lạc đi săn ở trên núi, có người muốn bắn hổ, không may lại bắn nhầm vào đùi của Đại Cần, ông ta nhịn đau rút mũi tên ra, có người đề nghị truy cứu người bắn tên, Đại Cần lắc đầu không đồng ý: "Đây là do lỡ tay, sao nỡ bắt tội người ta!" mọi người nghe vậy, đều rất cảm động, nguyện vì ông ta mà ra sức. Nhờ vậy, Nhĩ Chu Đại Cần liên tiếp lập chiến công, lại là ngoại thích, nên được miễn thuế 100 năm, phong làm Lập Nghĩa tướng quân.

Đến thời Bắc Ngụy Văn Thành Đế Thác Bạt Tuấn, Đại Cần lại được phong làm Ninh Nam tướng quân, thứ sử Tứ Châu[3], Lương quận công. Thời Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế Thác Bạt Hoành, Đại Cần xin về trí sĩ, Hiếu Văn Đế đáp ứng, ban cho mỗi năm 400 xúc lụa. Ông hưởng thọ 91 tuổi, sau khi mất, được Văn Đế ban cho 500 xúc lụa, 200 xúc vải, truy tặng Trấn Nam tướng quân, Tịnh Châu[4] thứ sử, thụy hiệu là Trang. Sau này Nhĩ Chu Vinh phát tích, truy tặng ông nội làm Giả Hoàng việt, Thái sư, Tư đồ công, Lục thượng thư sự.

Phụ thân

Cha của Nhĩ Chu Vinh là Nhĩ Chu Tân Hưng kế vị làm tù trưởng bộ lạc không lâu, tương truyền có một lần đuổi theo bầy ngựa, gặp một con rắn trắng, đầu có 2 sừng, bò ở trước ngựa của ông, trù trừ không đi. Nhĩ Chu Tân Hưng lấy làm kỳ quái, bèn khấn rằng: "Nếu ngươi là thần, hãy khiến việc chăn nuôi của tôi ngày càng phồn thịnh!" Khấn xong, rắn trắng biến mất. Không lâu sau, Nhĩ Chu Vinh ra đời, có màu da trắng trẻo hiếm có, gương mặt đẹp đẽ, mọi người đều cho rằng ông là rắn trắng đầu thai. Sau đó, việc chăn nuôi của gia tộc Nhĩ Chu ngày càng phồn thịnh, lương thực vật phẩm nhiều không đếm xuể.

Mỗi khi triều đình xuất binh đánh trận, Nhĩ Chu Tân Hưng lại đem chiến mã, lương thực trong nhà tặng cho quân đội, rất được Hiếu Văn Đế khen ngợi và tín nhiệm, được phong làm Hữu tướng quân, Quang lộc đại phu. Sau khi nhà Bắc Ngụy dời đô về Lạc Dương, Tân Hưng còn đặc biệt được cho phép mùa đông vào triều, mùa hè trở về bộ lạc[5]. Mỗi khi vào triều, vương công quan lại tranh nhau tặng ông ta các vật phẩm quý báu, ông ta cũng tặng lại ngựa hay. Tân Hưng chuyển sang làm Tán kỵ thường thị, Bình Bắc tướng quân, Tú Dung đệ nhất lĩnh dân tù trưởng. Vào mỗi năm hai quý xuân thu, ông đều cùng với vợ con trai gái kiểm đếm đàn gia súc ở nơi có sông suối, lấy săn bắn làm vui.

Nhĩ Chu Tân Hưng hưởng thọ 47 tuổi. Bắc Ngụy Hiếu Minh Đế Nguyên Hủ truy tặng Tán kỵ thường thị, Bình Bắc tướng quân, Hằng Châu[6] thứ sử, thụy hiệu là Giản. Sau này Nhĩ Chu Vinh truy tặng cha mình làm Thị trung, Thái sư, Tướng quốc, Tây Hà quận vương.